
Thưa bác sĩ, thông thường thì hàng năm, tháng 12 này cũng là thời điểm số lượng bệnh nhi mắc bệnh Tay chân miệng tăng cao thì phải?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đúng vậy. Thông thường hàng tháng, bệnh viện Nhi đồng chúng tôi đều có các thông tin dự phòng về tình hình bệnh dịch theo mùa xảy ra ở trẻ. Năm nay, đầu năm, số lượng bệnh nhi nhập viện vì BTCM tăng khá cao. Đặc biệt là trẻ nhập viên trong tình trạng bệnh đã nặng là nhiều, điều đó khiến chúng tôi rất lo ngại cho mùa bệnh cuối năm. Thế nhưng hiện tại vào thời điểm này thì con số bệnh nhi BTCM không cao như dự đoán và cũng ít ca bệnh nặng.
Thưa bác sĩ, liệu đó có phải là một biểu hiện đáng mừng về ý thức phòng chống các bệnh xảy ra theo mùa của các bậc phụ huynh không ạ?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Có thể có mà cũng có thể không. Đây có thể là biểu hiện của việc phụ huynh đã ý thức được để phòng chống cho trẻ trước những căn bệnh theo mùa. Nhưng cũng có thể chỉ là diễn biến tình hình bệnh như vậy, có khi bùng phát, có khi giảm. Không thể lường trước được.
Theo ông, hiện nay các phụ huynh đã có nhiều hiểu biết về căn bệnh mới này?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM phụ huynh đã có nhiều hiểu biết hơn về BTCM. Nhưng ở các tỉnh thì chưa. Các ca bệnh nặng, có biến chứng thường được đưa tới từ các tỉnh.
Thực ra BTCM không phải là căn bệnh mới. Nó đã được mô tả đầu tiên vào năm 1956 ở rải rác khắp nơi trên thế giới. Nhưng BTCM chỉ được quan tâm trong khoảng 10 năm gần đây, từ khi ba vụ dịch lớn xuất hiện trong những năm 1995, 1998, 2000. Ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam năm 2002. Năm 2003 thì có 20 trẻ em tử vong đầu tiên vì bệnh này.
Thưa bác sĩ, dường như tên gọi bệnh TCM và những biểu hiện bệnh thường làm cho người ta không mấy lo lắng trong gia đoạn đầu của bệnh?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: BTCM do nhóm virus đường ruột gây ra. Người nhiễm bệnh chủ yếu là trẻ em và biểu hiện ở nam rõ rệt hơn ở nữ. Trước đây, quả thực rất ít người biết đến BTCM vì bệnh chủ yếu do virus Coxsakie A 16 – rất lành tính gây ra. Người bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Nhưng gần đây, các nhà nghiên cứu mới phát hiện ra virus Entero 71 có thể gây biến chứng ở não và tim. Khi biến chứng bệnh nhân có thể tử vong trong vòng vài giờ hoặc để lại di chứng não về lâu dài làm trẻ khó thích ứng với xã hội.
Các biểu hiện của BTCM có thể làm người ta nhầm lẫn với một số căn bệnh khác như bệnh viêm da bóng nước, bệnh do nhiễm siêu vi Herpex simplex hoặc bệnh thủy đậu. Nhưng viêm da bóng nước thường chỉ xuất hiện sau khi da có vết trầy xước, ghẻ chàm… Bóng nước do nhiễm herpes simplex thường nổi từng chùm quanh miệng. Bóng nước của thủy đậu nổi rải rác toàn thân. Còn trẻ mắc BTCM nổi bóng nước ở cả ba vị trí tay chân và miệng.
Thưa bác sĩ, bệnh nhiễm trong bao lâu thì khởi phát triệu chứng và căn cứ vào đâu để nhận biết được bệnh đang vào giai đoạn năng?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thời gian ủ bệnh (“incubation period“) khoảng 3 đến 7 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Trong một đến hai ngày bệnh sẽ phát ban là những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bóng nước, ở miệng có dạng vết loét, có đường kính từ 4-8 mm, thường ở phía trong miệng, trên lưỡi, tại vòm miệng hoặc ở lợi răng làm trẻ nuốt đau. Với triệu chứng này cha mẹ thường nhầm lẫn với bệnh viêm loét miệng thông thường. Những bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân hoặc ở cánh tay. Trẻ nhũ nhi có thể có ban dạng sần vùng mộng, nơi quấn tã lót.
Trong giai đoạn diễn tiến, siêu vi gây bệnh xâm nhập thần kinh trung ương trẻ sẽ có dấu hiệu rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì mê sảng hay co giật, sốt trên 38,5 độ. Khi ấy trẻ có thể tử vong hoặc hồi phục sau một thời gian điều trị vẫn còn những rối loạn thần kinh kéo dài.
Thưa bác sĩ, việc điều trị BTCM có khó khăn và phức tạp hay không?
Bác sĩ Trương Hữa Khanh: Thực ra đại đa số bệnh này tự khỏi, trẻ mắc bệnh có thể điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, cố gắng cho trẻ ăn thành nhiều bữa. Trong trường hợp trẻ sốt cao nôn ói, run chi , nói năng làm nhảm, giật mình giơ hai tay lên cào… thì cần đưa tới bệnh viện để bác sĩ có hướng điều trị kịp thời.. Hiện nay ta chưa có điều trị đặc hiệu cho virut này và các loại enterovirus khác. Điều trị triệu chứng để giảm sốt, đau nhức do các vết loét gây ra kết hợp với tăng sức đề kháng là chủ yếu. Quan trọng nhất vẫn là theo dõi sát, phát hiện sớm các biến chứng và can thiệp kịp thời. Ngoài ra, chúng ta có loại dịch truyền gọi là Immunoglobulin - IVIG. Nhưng IVIG có chi phí khá đắt nên chỉ được chỉ định trong những trường hợp nhất định. Bên cạnh đó, chúng tôi hỗ trợ hô hấp sớm... Tuy nhiên, những trẻ dù có những triệu chứng nặng đến mấy, đã được cứu sống, thì hoàn toàn không có di chứng.
Việc chăm sóc trẻ bị BTCM có những gì đặc biệt cần chú ý, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Trẻ bị BTCM không phải kiêng cữ gió và ánh sáng, không chọc vỡ bóng nước, không đắp các loại lá cây để tránh nhiễm trùng da. Cần vệ sinh thân thể cho trẻ thật tốt: Cho trẻ súc miệng mỗi ngày, tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng tránh làm vỡ các bóng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày. Cắt ngắn móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và nhu cầu, cho trẻ uống nhiều nước như nước sôi để nguội, nước trái cây, nước canh, nước cháo…
Bệnh có lây lan và có tái phát không thưa ông?
Bác sĩ Trương Hữa Khanh: Bệnh TCM có đường lây lan khá lớn qua những tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, miệng, nước bọt, dịch của mụn rộp hoặc phân của người nhiễm, qua nắm tay, tiếp xúc với các vật dụng cá nhân của trẻ nhiễm bệnh như bình sữa, núm vú nhựa, đồ chơi, thực phẩm… Chính vì thế môi trường nhà trẻ là một môi trường lây lan BTCM lớn. Vì vậy khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên cho trẻ nghỉ học.
BTCM không miễn dịch hoàn toàn nên trẻ mắc bệnh rồi vẫn có thể tái phát lại như thường
Phụ nữ đang có thai tiếp xúc với trẻ em đã nhiễm TCM có khả năng bị lây nhiễm không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bởi vì nhóm enteroviruses kể cả virut gây bệnh TCM rất thường gặp, do vậy phụ nữ có thai rất dễ bị phơi nhiễm đặc biệt là trong các tháng hè thu.
Hầu hết phụ nữ nhiễm enterovirus trong thai kỳ thường không phát bệnh hoặc biểu hiện bệnh nhẹ.
Mặc dù thông tin có được hiện nay chưa nhiều và chưa có bằng chứng rõ ràng là nhiễm virut khi mang thai sẽ gây hậu quả như xảy thai, chết sơ sinh hoặc dị tật bẩm sinh, tuy nhiên bà mẹ nhiễm có thể truyền virus cho đứa bé ngay trước khi sinh. Đứa trẻ sinh ra từ người mẹ đã có biểu hiện triệu chứng nhiễm enterovirut, trong khi sinh có khả năng rất dễ bị nhiễm bệnh. Hầu hết những trẻ sơ sinh nhiễm enterovirut này có biểu hiện bệnh nhẹ và hiếm khi phát triển thành nhiễm đa phủ tạng: gan, tim và tử vong vì nhiễm vi rut. Nguy cơ cao xảy ra bệnh cảnh nặng cho trẻ sơ sinh vào 2 tuần lễ đầu đời.
Việc thực hiện vệ sinh sạch sẽ cho người phụ nữ có thai sẽ có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm.
Thưa bác sĩ, với tình hình BTCM có khả năng lây lan cao như vậy, ta có cách nào để phòng chống hay không?
Cách phòng chống tốt nhật hiện nay chỉ là giữ vệ sinh cho thật tốt. Trong tương lai, với tình hình BTCM xuất hiện ở nhiều nơi, chắc chắn, nhiều tổ chức sẽ nghiên cứu và bào chế ra vắc-xin để phòng ngừa. Đài Loan, một trong những quốc gia có nhiều kinh nghiệm về BTCM, đã bắt tay vào nghiên cứu vắc-xin, tuy nhiên, đến khoảng 2012 - 2016 mới có kết quả.
Theo bác sĩ, thông thường bệnh viện Nhi đồng có dự phòng cho các mùa bệnh dịch mới. Vậy xin hỏi những tháng sắp tới sẽ là mùa của căn bệnh nào?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Từ tháng 12 đến tháng sáu thông thường là mùa của bệnh Thủy đậu. Chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng cho căn bệnh theo mùa này.
Xin cảm ơn bác sĩ.
Khánh Chi Webtretho (thực hiện)