Trẻ dậy thì dễ bị ung thư xương

thanhlinh

Junior Member
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM đang quá tải bệnh nhân ung thư xương. Nhiều người ở tuổi thanh thiếu niên phải cắt bỏ tay chân, thậm chí tử vong do nhập viện trễ.

Lý giải về việc số bệnh nhân ung thư xương đang ngày một tăng, tiến sĩ Lê Chí Dũng, Trưởng khoa Bệnh học cơ xương khớp, cho rằng đó là do môi trường đang ô nhiễm trầm trọng. Các yếu tố như tia phóng xạ, ô nhiễm không khí, nước thải công nghiệp hay thói quen sử dụng hóa chất, thực phẩm độc hại... làm ung thư phát triển và phá hủy cấu trúc các gene sản sinh ra tế bào bảo vệ cơ thể.

160.jpg
Một bệnh nhân ung thư xương ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Ảnh: Trường Cơ.

Nam nhiều hơn nữ

Nhứng năm trước, khoa Bệnh học Cơ xương khớp dành 32 giường cho bệnh nhân ung thư xương nhưng không sử dụng hết. Nay số giường đã là 40 nhưng không đủ vì luôn có hơn 60 người bệnh. Rất nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh này, riêng lứa tuổi dậy thì chiếm 50%.

Bác sĩ Dũng giải thích, ở tuổi dậy thì, các tế bào ở xương sinh sản rất nhanh để tăng chiều cao tối ưu cho cơ thể. Do cơ chế sinh sản nhanh nên chỉ cần xuất hiện vài tế bào phát triển lệch lạc, ác tính, chúng cũng nhanh chóng được kích thích phát triển. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch ở lứa tuổi dậy thì lại chưa hoàn thiện để bảo vệ quá trình sinh sản của tế bào xương.

Tỷ lệ ung thư xương ở nam cao hơn nữ vì sự tăng trưởng ở xương diễn ra mạnh hơn, thời kỳ phát triển của xương lại kéo dài hơn.

Phụ huynh chủ quan

Cháu H., 13 tuổi, mới bị cắt bỏ gần hết cẳng chân trái. Nằm trên giường bệnh, chốc chốc cháu lại trở mình nôn ọe. Người cha chỉ biết ôm con gái vào lòng. Ông vẫn chưa hết bàng hoàng: “Chẳng lẽ nhỏ vậy cũng bị ung thư xương?”. Thấy chân con hay bị sưng đau, ông cứ nghĩ chắc do ở trường con hay chạy nhảy, khi đưa đến bệnh viện thì đã muộn.

Những bệnh nhân ung thư xương nhập viện muộn sẽ bị cắt bỏ tay, chân, thậm chí không giữ được mạng sống. Chị L., một thai phụ 21 tuổi, là trường hợp rất thương tâm. Vì muốn giữ lại đứa con đầu lòng, chị đành lờ đi khối u vốn mới ở giai đoạn sớm. Kết quả là bệnh trở nặng, bệnh viện chỉ định phải cắt bỏ cẳng chân. Chị L. đang giành giật sự sống từng ngày.

Ung thư xương tiến triển nhanh, dễ di căn xa theo đường mạch máu. Dù bệnh nguy hiểm vậy nhưng triệu chứng khởi phát lại rất mơ hồ, chỉ là sưng, đau ở chân tay. Người bệnh dễ nhầm là đau khớp nên chỉ uống vài viên thuốc giảm đau. Nhiều người có cảm giác ê ẩm, mỏi chân nên nghĩ là do đi bộ hay chạy nhảy nhiều. Do đó, các tế bào ung thư có cơ hội di căn rất nhanh (chỉ trong vòng 1-8 tháng) vào nội tạng, đặc biệt là lên phổi. Người bệnh nhanh chóng suy sụp, biếng ăn, mất ngủ, sụt cân, có thể sốt cao. Thường chỉ đến khi tay chân mất chức năng vận động, không thể tự bước xuống giường, đi lại, ăn uống khó khăn, người bệnh mới chịu nhập viện.
Ngay cả bác sĩ chuyên khoa nếu không được đào tạo về ung thư cơ xương khớp cũng khó nhận ra căn bệnh này. Do đó, những người có triệu chứng kể trên đến bệnh viện chuyên về cơ xương khớp và ung bướu để khám, không nên không nghe lời đồn mà tìm đến các thầy lang. Việc chẩn đoán và điều trị sai sẽ khiến khối u có thêm thời gian di căn, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu phát hiện sớm, việc điều trị bằng phẫu thuật và xạ trị sẽ giúp 75% bệnh nhân sống thêm từ 5 năm trở lên.


Theo Báo Đất Việt
 
Back
Top